Con ghẹ

Chuyện kể: Cua mẹ và cua con

Hai mẹ con nhà cua sống trên bãi cát dài trên bờ biển. Sau khi bò miệt mài đến mệt lử, cua mẹ thích nằm im, quan sát những con vật khác và nó nhận ra rằng các loài động vật ngoài biển đều đi thẳng. Cua mẹ ngưỡng mộ lắm. Chẳng bao lâu sau, nó sinh ra một chú cua con. Cua mẹ gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào đứa con của mình. Nó mong mỏi con trai sẽ thay đổi được cách đi từ bao đời nay của loài cua và biết đi thẳng về phía trước.

Chú cua con ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao chúng ta lại phải đổi cách đi hả mẹ?

- Con không lấy loài cua đi lại rất khó coi sao? Họ nhà ta toàn bị người đời gọi là ngang như cua đấy thôi.

Cua con rất ngoan và luôn nghe lời mẹ nên nó cũng chăm chỉ tâp đi thẳng. Chỉ có điều, dù có xoay xở bằng mọi cách, nó vẫn chăng đi được như lời mẹ dạy. Dần dà, cua con chán nản nhưng vì cua mẹ quá tha thiết nên nó vẫn cố gắng tập thêm.

Một hôm, sau khi tập mệt rã rời, cua con liền nói:

- Mẹ ơi, mẹ có thể đi thẳng cho con làm theo được không ạ?

Cua mẹ giơ đôi càng to, vật lộn tìm mọi cách đi thẳng về phía trước nhưng rồi cuối cùng nó cũng chỉ có thể bò ngang. Cua con thấy vậy bèn bảo:

- Khi nào mẹ có thể bò thẳng thì mẹ hãy dạy con vậy mẹ nhé!

**************************************

Con ghẹ (có danh pháp là Portunus pelagicus) là một loài cua lớn tìm thấy ở các cửa sông của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (phần duyên hải châu Á) cũng như vùng duyên hải trung-đông của Địa Trung Hải. Loài ghẹ này phân bố rộng ở miền đông châu Phi, Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Ghẹ đực có vỏ màu lam sáng với các đốm trắng và các càng dài đặc trưng, trong khi ghẹ cái có màu nâu/lục xỉn màu hơn và mai thuôn tròn hơn. Mai của chúng có thể rộng tới 20 cm.

Phần lớn thời gian chúng ẩn nấp dưới cát hay bùn, cụ thể là trong thời gian ban ngày và mùa đông, điều này có thể giải thích nhờ sự chịu đựng tốt của chúng đối với NH4+ và NH3. Chúng đi kiếm ăn khi thủy triều lên. Thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các động vật hai mảnh vỏ, cá và ít hơn là các loại tảo lớn. Chúng bơi lội rất tốt, chủ yếu là do các cặp chân dẹp tựa như các mái chèo.

Ghẹ không phải là loài sinh vật biển thật sự do nói chung nó hay tiến vào các cửa sông để kiếm thức ăn và trú ẩn. Ngoài ra, chu trình vòng đời của nó phụ thuộc vào các cửa sông do ấu trùng và ghẹ non sử dụng các môi trường nước lợ cửa sông để sinh sống và phát triển. Trước khi trứng nở, ghẹ cái di chuyển tới các môi trường sống nông cạn ven cửa sông, đẻ trứng và ấu trùng mới nở (ấu trùng giai đoạn I) sẽ tiến về các cửa sông. Trong khoảng thời gian này chúng ăn các loại phiêu sinh vật nhỏ và phát triển từ giai đoạn ấu trùng I tới ấu trùng giai đoạn IV (khoảng 8 ngày) và sau đó thành giai đoạn ấu trùng cuối cùng (megalopa), kéo dài khoảng 4-6 ngày. Giai đoạn ấu trùng này có đặc trưng là có các càng to để bắt mồi. Giai đoạn từ dạng megalopa biến hóa thành dạng ghẹ thì chúng vẫn tiếp tục sống tại cửa sông, do môi trường vẫn phù hợp để kiếm ăn và trú ẩn. Tuy nhiên, các chứng cứ cho thấy ghẹ non không thể chịu được độ mặn thấp trong một thời gian dài, có lẽ là do khả năng điều chỉnh siêu thẩm thấu quá yếu của nó. Điều này có thể giúp giải thích sự di cư hàng loạt của chúng từ cửa sông ra biển trong mùa mưa.

Điểm khác nhau giữa cua và ghẹ

- Màu sắc: Cua có màu xám rêu (đối với cua biển, sống ở vùng nước sâu), hay màu vàng đồng (đối với cua sống ở vùng nước trũng, nhiều phèn). Ghẹ có màu rêu pha lẫn đốm hoa trắng rất bắt mắt.

- Hình dáng lớp vỏ bên ngoài:

* Một con cua thường có 2 càng to và 8 chân nhỏ, trên chân sẽ có đốm hoa nhỏ li ti. Vỏ cua sẽ có hình ô van khá tròn hơn, phần mắt cua lõm vào trong, mai cua thường rất cứng. Phần bụng cua sẽ có màu trắng ngà, yếm cua cái sẽ to hơn cua đực một chút.

* Đối với ghẹ, tùy theo loại: Ghẹ đỏ, ghẹ xanh, ghẹ ba chấm,... Tuy chúng khác nhau về màu sắc một ít. Tuy nhiên, phần vỏ chúng vẫn có đốm rải đều trên vỏ và chân ghẹ. Mai ghẹ, hình ô van khá dài hơn cua, hai phần bên hông của vỏ sẽ có gai nhọn. Ghẹ cũng có 2 càng nhưng càng ghẹ nhỏ và dài hơn cua rất nhiều. Ghẹ cũng có 8 chân, 2 mắt lõm vào trong. Phần bụng của ghẹ, sẽ có màu trắng sữa và rất cứng.

Nguồn: Internet