Con cò cuốc ngực trắng

Chuyện kể: Sự tích chim quốc

Ngày trước, có một cặp bạn thân, một người tên là Quắc, người kia tên là Nhân. Cả hai người đều là học trò, gia cảnh nghèo khó, lại cùng mồ côi từ nhỏ. Quắc may mắn hơn bạn nên được học nhiều, sau này anh chàng trở thành thầy đồ. Tuy tiền tài không nhiều, Quắc vẫn cố gắng giúp Nhân những lúc bạn khó khăn. Đổi lại, có đôi lúc Quắc ốm rất nặng, rất may có bạn ngày đêm thuốc thang chăm sóc, không thì anh cũng khó mà qua khỏi.

Sau này, vì kế sinh nhai mà hai người bắt buộc phải chia tay, mỗi người mỗi ngả. Quắc vẫn tiếp tục cuộc đời thầy đồ dạy trẻ của mình. Còn Nhân thì lại lang thang tới các vùng đất xa lại để làm thuê kiếm tiền sống qua ngày.

Sau một thời gian dài lang bạt khắp nơi, cuối cùng Nhân được một phú thương nhận vào làm. Phú thương vì thấy anh chàng chăm chỉ lại thật thà nên rất tin dùng. Không lâu sau, phú thương gả cho Nhân con gái mình.

Vì nhà vợ nhiều của cải nên Nhân liền trở thành một phú ông có cơ nghiệp kha khá trong vùng. Mặc dù giàu có, anh chàng vẫn không quên người bạn thân. Anh vẫn nhớ lời thề trước kia với Quắc “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu”.

Vì vậy khi Nhân tìm thấy Quắc vẫn còn sống, anh chàng vô cùng vui sướng. Anh chàng bèn thương lượng với cha mẹ những học trò của Quắc chuyển sang học thầy đồ khác, sau đó đưa Quắc trở về nhà của mình.

Về tới nhà, Nhân dặn dò người trong nhà rất kĩ rằng phải coi Quắc như mình vậy, cơm nước không được trễ nải, phải hầu hạ đầy đủ. Nhưng vợ Nhân khác hẳn tính chồng. Chị ta với kẻ nghèo khó, rách rưới thì luôn coi thường, khinh bỉ. Hơn nữa, trước đây không phải trải qua những ngày thuở xưa với chồng nên không thể hiểu được tình cảm gắn bó của Nhân với Quắc.

Nhưng khi thấy chồng khoản đãi khách chị ta cũng không nói. Và Nhân cũng luôn luôn nói với vợ rằng: “Quắc là người thân còn lại duy nhất trong đời. Không có người bạn này tôi không chắc sống tới ngày gặp được nàng”. Nghe chồng nói, chị ta chỉ lầm bầm: “Khéo! Bạn với chả bè! Chỉ ngồi đó ăn hại!”.

Lúc đầu chị ta không nói gì, nhưng những ngày sau, chị ta lại bực ra mặt. Vợ Nhân thấy vô cùng khó chịu khi tự dưng xuất hiện ông khách chả được tích sự gì cho mình, suốt ngày ngồi chiếu cao, lại cơm rượu no đủ cả ngày.

Mới đầu vợ Nhân chỉ nói mát, nhưng sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Nhiều hôm chị ta còn đay nghiến luôn cả khách lẫn chồng:

– Bố già thì không phải, cũng chẳng là khách nợ, tự dưng rước về nhà thờ phụng, hết ăn lại nằm. Ông liệu rồi tống đi cho tôi nhờ!

Vì vợ mình ngày một quá đáng, Nhân rất lo mất lòng Quắc. Một mặt anh chàng tự thân chăm nom bạn tận tình hơn, mặt khác lại tỷ tê vừa khuyên vừa dỗ vợ. Sau bao cố gắng của Nhân, chị vợ vẫn chứng nào tật ấy.

Còn về phần chàng Quắc, anh hiểu được tất cả. Vì thế mà đã nhiều lần Quắc muốn chào bạn để trở về nhà, nhưng lần nào Nhân vẫn nhất quyết giữ bạn bạn lại. Thấy bạn đối mình chí tình như vậy, Quắc lại nấn ná thêm ít lâu.

Rồi cuối cùng Quắc cũng quyết phải đi vì ngày đó chàng nghe được lời lẽ xúc phạm vô cùng nặng nề của vợ Nhân. Anh chàng biết nếu bản thân không rời đi thì sớm ngày cũng chết nhục thôi. Nhưng nếu đi như nhiều bận lần trước thì chắc chắn anh lại bị bạn tìm cách giữ lại.

Một ngày kia, trời con mờ sương sớm, Quắc sắp lại đồ của mình rồi lẻn khỏi nhà. Vì không muốn bạn tìm kiếm, lúc đi qua rừng, Quắc bèn đem khăn áo của mình treo lên cây ven đường. Sau đó, anh chàng tìm đến nơi khác, tiếp tục sống cuộc đời thầy đồ.

Trời sáng, không thấy bạn đâu, Nhân hoảng hốt chạy đi tìm. Nghe nói có người thấy khăn áo treo ở mé rừng, chàng vội vàng đến xem. Nhân nhận ra đó là đồ của bạn, anh chàng đau xót: “Ta vốn muốn nuôi bạn lại thành hại bạn! Bạn ta chắc hẳn gặp cướp bị giết rồi!”.

Nhưng ngay lập tức anh chàng lại phủ quyết: “Bạn ta đi trong người không đem theo một đồng thì gặp cướp chắc cũng không sao. Vậy đây là bị hổ dữ ăn thịt, không thì là do bị lạc vào rừng sâu”. Anh chàng bắt đầu đi sâu vào trong rừng mà tìm kiếm. Không thấy vết máu, Nhân lại nuôi hy vọng bạn vẫn bình an.

Chàng Nhân băng qua bụi rậm, vượt mọi chông gai, miệng luôn gọi: “Này anh Quắc! Quắc ơi! Quắc!”.

Anh chàng cứ thế quanh quẩn khắp trong rừng sâu. Cho đến khi trút hơi thở cuối, anh chàng vẫn không ngớt tiếng: “Quắc! Quắc!”. Sau khi chết, Nhân biến thành một con chim quốc, hay còn gọi chim đỗ quyên.

Còn về phía vợ Nhân, khi thấy chồng đi mãi không về thì rất hối hận về những việc làm của mình. Một ngày, chị ta rời nhà rời cửa để đi tìm Nhân. Khi đến mé rừng thì nghe được tiếng kêu “Quắc! Quắc!”. Khi đó chị ta mừng rỡ kêu lên: “Anh Nhân, phải là anh không?”. Nhưng trả lời chị ta chỉ là những tiếng kêu “Quắc! Quắc!” vang vọng.

Vợ Nhân chạy theo tiếng kêu “Quắc! Quắc!” vào sâu trong rừng. Nhưng rồi vẫn không tìm được chồng. Sau cùng không sao tìm thấy lối ra và chết gục dưới gốc cây trong rừng.

Nguồn: Internet

************************************************

Cò cuốc ngực trắng (hay còn gọi là cò quốc ngực trắng) (danh pháp hai phần: Amaurornis phoenicurus) là một loài chim nước trong họ Gà nước (Rallidae).

Môi trường sinh sống của chúng là các đầm lầy trong khu vực miền nam châu Á, từ Ấn Độ và Sri Lanka tới miền nam Trung Quốc, qua Đông Dương tới Indonesia. Chúng làm tổ trong các chỗ khô trên mặt thảm thực vật đầm lầy, đẻ 6-7 trứng. Loài chim nước lớn, dài tới 32 cm này là những cư dân sống cố định trong khu vực phân bố của chúng.

Cuốc ngực trắng trưởng thành có bộ lông phía trên và hai hông chủ yếu màu xám sẫm cùng lông trên mặt, cổ và ngực màu trắng. Lông bụng và mặt dưới của đuôi màu nâu vàng. Thân bẹt hai bên để cho phép dễ dàng vượt qua các bụi lau sậy hay các bụi cây thấp. Chúng có các ngón chân dài, đuôi ngắn, mỏ và chân màu vàng.

Cả hai giới đều tương tự, nhưng các con chưa trưởng thành có bộ lông xỉn màu hơn so với chim trưởng thành. Chim non có lông màu đen, giống như tất cả các loài khác trong họ Rallidae.

Loài chim này thăm dò tìm mồi bằng cách nhúng mỏ vào trong các vũng bùn hay vùng nước nông, và mổ thức ăn nhờ thị giác tốt. Chúng chủ yếu ăn sâu bọ, cá nhỏ và hạt. Chúng lục lọi tìm kiếm trên mặt đất hay trong các bụi cây thấp và các cây gỗ nhỏ.

Nhiều loài gà nước là chim rất rụt rè, nhưng cuốc ngực trắng lại thường hay được nhìn thấy bên ngoài các khoảng không gian thưa thớt cây cối. Chúng là loài chim khá ồn ào, đặc biệt là lúc bình minh và chạng vạng tối, với tiếng kêu khá to cuốc cuốc.