Con chuồn chuồn kim

Chuyện kể: Sự tích con chuồn chuồn

Ngày ấy trong một khu rừng có cái đầm nước thật to, mỗi con vật được phân công một việc. Riêng Chuồn Chuồn được mọi vật giao nhiệm vụ trông coi thời tiết. Khốn nỗi, Chuồn Chuồn làm được chăng hay chớ, chẳng chăm chỉ, đã vậy lại còn lười. Mọi vật lo nhất là chỗ trú thân. Hàng ngày Tò Vò cố kiếm đất để xây những tổ đất thật to. Ve Sầu thì đi tìm những hốc cây chắc chắn. Còn Kén Tằm thì cố sức nhả tơ làm những tổ kén dầy không sợ gió bão…Trong khi ấy, Chuồn Chuồn vẫn mãi rong chơi, không để ý làm tổ. Tò Vò thấy vậy cũng đôi lần nhắc nhở Chuồn Chuồn:

– Chuồn Chuồn ơi! Phải chú ý làm tổ thôi, chứ đến lúc có gió bão làm sao mà tránh.

Chuồn Chuồn trả lời rất chủ quan:

– Tò Vò có đôi cánh nhỏ, bay kém sợ gió bão mới phải làm tổ. Chứ như tôi đây, cánh nhiều này, mắt nhìn rộng này, bay khắp nơi được này… chẳng có gì phải sợ cả. Bão đến là tôi biết liền, bay tránh chỗ khác vẫn còn kịp.

Nói rồi, Chuồn Chuồn lại bay nhởn nhơ coi như không nghe thấy những lời khuyên của bạn bè.

Khuyên mãi mà Chuồn Chuồn không nghe, các con vật xung quanh đầm nước ấy không để ý đến Chuồn Chuồn nữa. Chúng đi tìm những chỗ trú ẩn tốt nhất phòng khi có bão đến.

Vài hôm sau, đúng vào cái buổi Chuồn Chuồn được phân công bay lên cao theo dõi gió, mây có gì lạ để báo cho mọi vật biết thì Chuồn Chuồn lại cụp cánh ngủ mê mệt dưới cánh hoa sen, sau một ngày rong chơi mê mãi.

Đúng thời khắc ấy, gió bão nổi lên.

Bão lớn kéo đến thật bất ngờ, mây đen trên bầu trời cuồn cuộn kéo đến, chẳng mấy chốc cả bầu trời đen kịt. Gió thổi từng cơn, từng cơn rồi ào ào như muốn quét tất cả mọi vật trên mặt đất. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi sầm sập, sầm sập như thác đổ. May cho Tò Vò đã có một cái tổ chắc chắn nên nó trú trong đó không hề hấn gì. Kén Tằm cũng có một cái tổ to bám chắc vào một cành cây, nên mưa gió có lớn cũng không làm cho cái tổ đó rơi xuống đất. Còn Ve Sầu nằm rất yên ổn trong một hốc cây lớn. Trong khi đó…

Khổ thân cho Chuồn Chuồn, khi gió bão đến, nó vẫn còn ngủ không biết trời đất. Phải mãi một lúc sau gió, mưa to quá, Chuồn Chuồn mới tỉnh ngủ. Quá hoảng sợ, Chuồn Chuồn vội cất cánh bay lên tìm chỗ trú. Nhưng tìm ở đâu bây giờ? Khi những chỗ trú tốt nhất mọi con vật đã làm tổ, hơn nữa gió bão mịt mù không tìm ra phương hướng, Chuồn Chuồn cứ bay loạng quạng, đôi cánh của Chuồn Chuồn bị nước mưa đánh cho tơi tả. Cứ bay nữa thì chết, Chuồn Chuồn ghé vội đậu lên một cành cây, cất tiếng cầu cứu:

– Các bạn ơi! Cứu tôi với… cứu tôi với…

Đang nằm trong tổ tránh mưa, nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, Tò Vò bật dậy, nghĩ: "Phải cứu bạn Chuồn Chuồn thôi!". Rồi Tò Vò vội bay ra khỏi tổ bất chấp lúc ấy trời đang mưa to, gió đang thổi mạnh. Ve Sầu cũng nghe thấy tiếng kêu cứu của Chuồn Chuồn, nó thò đầu ra khỏi hốc cây quan sát, thấy hành động dũng cảm của Tò Vò, Ve Sầu ũng bay theo.

Tò Vò và Ve Sầu dìu được Chuồn Chuồn vào chỗ trú, làm những động tác hồi sức làm cho Chuồn Chuồn tỉnh lại. Nhờ sự cứu giúp kịp thời của Ve Sầu và Tò Vò, Chuồn Chuồn đã qua được tai nạn nguy khốn. Chuồn Chuồn nhìn hai bạn với sự hàm ơn, nói thật lòng:

– Các bạn đã vì mình mà không sợ nguy đến tính mạng. Mình biết ơn các bạn lắm.

Ve Sầu nói:

– Giá như mà bạn nghe lời chúng tôi, chịu khó một tý, làm một cái tổ thật tốt thì đâu gặp phải chuyện như thế này.

Chuồn Chuồn chớp chớp mắt có vẻ ân hận. Tò Vò nói giọng buồn buồn:

– Cũng giá như … Chuồn Chuồn chịu khó quan sát thời tiết, dự báo trước được gió bão thì đâu đến nỗi…

Đến lúc này Chuồn Chuồn mới thấm thía những sai lầm của mình và hứa với tất cả sẽ không bao giờ mắc lại những sai lầm ấy nữa.

Vì thế bây giờ chúng ta thấy Chuồn Chuồn rất chăm chỉ việc dự báo thời tiết hết ngày này qua ngày khác, đến độ người ta phải đặt thành câu ca dao:

Chuồn Chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Còn riêng việc tìm chỗ để làm tổ, Chuồn Chuồn không làm được. Mọi chỗ tốt làm tổ không còn. Vì thế Chuồn Chuồn vẫn cứ đi tìm.

Cũng chính vì thế mà bây giờ Chuồn Chuồn không bao giờ đậu lâu được một chỗ, cứ đi tìm kiếm cả ngày, lúc thì ở đầm sen, lúc lại ở bờ ao…

Chuồn Chuồn còn đi tìm chỗ làm tổ cho mình vất vả lắm. Chẳng biết bao giờ mới có!

******************************

Chuồn chuồn kim (phân bộ Zygoptera) là một loài côn trùng bay thuộc bộ Odonata, có họ hàng với chuồn chuồn ngô (phân bộ Anisoptera). Loài sát thủ này có hình dạng khá giống chuồn chuồn ngô, tuy nhiên cơ thể chúng nhẹ và mảnh mai hơn.

Chuồn chuồn kim được cho là đã có từ kỷ Permian, chúng đã sinh sống trên mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực.

Phần trán có chứa đôi mắt, phía dưới trán là clypeus (một phần tạo nên khuôn mặt của động vật chân khớp). Các cơ quan bắt mồi labrum được đặt ở môi trên, và trên đỉnh đầu có 3 con mắt được gọi là Ocelli (giúp đỡ chúng đo cường độ ánh sáng).

Chuồn chuồn kim có sải cánh dao động từ 18-19mm, con đực thường có màu sáng hơn con cái. Con cái có màu sắc huyền bí và khó nhận ra hơn, như chuồn chuồn kim Eurasian Bluets, trong khi những con đực có màu xanh dương sáng với những mảng màu đen thì con cái có màu xanh lá cây hoặc màu nâu cùng với cái dải màu đen.

Chuồn chuồn kim sống ở tất cả các lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Nhưng không giống như chuồn chuồn ngô, loài côn trùng này thường tập trung gần ao, hồ và các con suối, nơi có nguồn nước cho chúng đẻ trứng. Hầu hết chuồn chuồn kim đều đẻ trứng trong môi trường nước ngọt, trong khi một số ít loài thuộc họ Caenagrionidae lại thích đẻ trứng trong nước lợ.

Caenagrionidae là loài duy nhất trong bộ chuồn chuồn tồn tại trong nước biển.

Chuồn chuồn kim là những kẻ ăn thịt, chúng ăn muỗi, ruồi và côn trùng nhỏ khác. Chúng thường lơ lửng giữa thảm thực vật và cỏ thấp để tìm kiếm con mồi, sau đó sử dụng đôi chân gai của mình để tóm lấy con mồi bất hạnh.

Chuồn chuồn kim chủ yếu sử dụng tầm nhìn để tìm kiếm con mồi, nhưng một số loài có thể sử dụng tín hiệu khứu giác. Nói chung, loài sinh vật này không kiếm ăn vào ban đêm, nhưng một số loài có thể ăn những con ruồi mới nở ra từ trứng dưới nước.

Quá trình giao phối của chuồn chuồn kim diễn ra phức tạp, bao gồm quá trình thụ tinh chậm và thụ tinh gián tiếp. Chúng cũng thực hiện các nghi thức tán tỉnh, trong đó con đực cố gắng thu hút con cái bằng cách phơi cánh, bay nhanh hoặc một số hành động khác. Nếu con cái sẵn sàng thì nó sẽ ở lại với con đực đó, còn không thì nó sẽ bay đi.

Khi con đực đã sẵn sàng giao phối, tinh trùng được chuyển từ bộ phận sinh dục tới bộ phận sinh dục phụ. Khi bắt đầu quá trình, con đực giữ con cái với cái nắp đậy ở phía sau đầu của con cái, trong khi con cái xoắn bụng nó về phía trước và hướng xuống để thu tinh trùng từ bộ phận sinh dục phụ của con đực.

Khi đã sẵn sàng để trứng, con cái di quanh mặt nước để tìm nơi thích hợp để nó đẻ trứng. Chúng cũng đẻ trứng trong các mô của cây. Đối với đẻ trứng trong nước, con cái sẽ ngâm mình xuống nước trong ít nhất 30 phút để đẻ trứng, sau đó leo lên thân cây thủy sinh để làm khô cơ thể. Trong thời gian này, con đực bảo vệ con cái và trứng từ các con đực khác.

Chuồn chuồn kim trải qua quá trình phát triển không hoàn toàn gồm 3 giai đoạn: trứng, ấu trùng (con non) và trưởng thành. Vòng đời của chúng phụ thụ vào nhiệt độ môi trường và nguồn thức ăn.

Nguồn: Internet