Con kỳ nhông

Chuyện kể: Sự tích con kỳ nhông (Truyện cổ Châu Phi)

Ngày xửa ngày xưa, con người và các loài vật trên trái đất chưa có nhà cửa, hang ổ trú ngụ. Nhưng rồi cứ nay đây mai đó mãi, mệt mỏi quá, nên một hôm họ đến gặp Trời xin giúp đỡ.

- Chúng con không thể sống lang thang mãi như thế này được nữa. Cầu xin Trời cứu giúp.

Ông Trời nhân từ hỏi:

- Vậy các con muốn thế nào?

Con người nói:

- Con muốn có nhà để ở, ruộng đất để cày cấy.

Ông Trời nói:

- Được, ta ban cho con người những thứ đó.

Chuột chũi lên tiếng:

- Con muốn có nhà là cái hang dưới đất.

Chim kêu lên:

- Con muốn có nhà là cái tổ trên cây.

Cá nói:

- Con muốn có nhà dưới đáy biển.

Ốc sên nói:

- Con muốn có cái nhà nằm ngay trên lưng con.

Ông Trời nhân từ phán:

- Ta cho tất cả các con được toại nguyện.

Con người và các loài vật mừng rỡ ra về, riêng con kỳ nhông vẫn ngồi lại một góc.

Ông Trời ngạc nhiên hỏi:

- Kỳ nhông, con không xin gì sao?

Kỳ nhông đáp:

- Không, không! Con không cần nhà. Con muốn sống nay đây mai đó. Nơi nào thích thì con ở, không thích thì con đi. Con không muốn suốt đời chỉ ru rú một chỗ. Con trèo cây, náu mình trong đám lá, đi trên mỏm núi đá hoặc nằm dài trên bãi cát.

Ông Trời hiểu ra ý thích của kỳ nhông, bèn nói:

- Con có lý đấy. Ta ban cho con được đổi mầu da tùy thích. Như vậy, con đến đâu nơi đó sẽ là nhà của con.

Kỳ nhông phấn khởi ra về. Từ ngày đó, nó là giống vật sung sướng nhất trong muôn loài.

*******************************

Kỳ nhông hay còn gọi là dông là loài bò sát sống trên đất cát ven biển. Kỳ nhông có nhiều giống, dông vùng đất cát gọi là dông cát benly. Kỳ nhông có tên Latin: Leiolepis belliana, thuộc nhóm: Bò sát, bộ: Có vảy Squamata, họ: kỳ nhông Agamidae.

Kỳ nhông gần giống con tắc kè, da hồng đỏ, dọc theo hông có các vệt lớn màu đen, cam. Loài này sống thích nghi ở cánh đồng cát trắng mênh mông. Loài bò sát này thường ra khỏi hang để sưởi ấm vào buổi sáng để điều hòa nhiệt độ cơ thể (chúng thuộc loài máu lạnh), tìm thức ăn và gây ấn tượng đối với các con cái xung quanh cả ngày, rồi rút vô hang vào xế chiều, đóng cửa hang lại bằng cát.

Kỳ nhông thường hoạt động vào mùa nắng ấm, từ tháng 4 đến tháng 10, lúc đó điều kiện nhiệt độ không khí thường 27 – 38 độ C, nhiệt độ mặt đất 27 – 39 độ C và độ ảm 30 – 80%. Kỳ nhông ngừng hoạt động hoàn toàn vào những ngày mưa. Thậm chí khi trời âm u là chúng tìm đường trú ẩn. Không bao giờ thấy kỳ nhông hoạt động vào lúc trời mưa hay mưa vừa tạnh. Kỳ nhông không chịu được nhiệt độ lạnh. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống 24 – 25 độ C và độ ẩm lên trên 90% là chúng đã tìm đường đi trú.

Thời gian hoạt động của kỳ nhông không nhiều, buổi sáng chúng ra khỏi hang lúc 8-9 giờ, tới 13 giờ, 13 giờ 30 trưa thì chúng lại vào hang, trung bình một ngày chúng chỉ chui ra khỏi hang 4-5 giờ đồng hồ để đi kiếm ăn. Thời gian còn lại chúng ằm yên trong hang để tiết kiệm năng lượng.

Nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn thực vật: Các loại rau, quả như rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, lá, hoa, nụ, quả… Đặc biệt, chồi non xương rồng và cỏ dại được kỳ nhông đặc biệt ưa thích,… Kỳ nhông còn ăn côn trùng (bướm, sâu non, giun đất…), trứng của loài bọ cánh cứng.

Nguồn: Internet