Con heo

Chuyện kể: Sự tích con Lợn

Ngày xưa có một gia đình nông dân sống rất nhân hậu. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, tiết kiệm giúp đỡ người nghèo. Họ đã tạo được trâu khỏe, ruộng tốt, cất được 5 gian nhà gỗ lim, vườn cau, ao cá. Cuộc sống tưởng thế đã thanh nhàn. Nhưng oái oăm thay, vợ chồng lại không có mụn con nào. Vợ chồng buồn rầu. Làng xóm chế giễu. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại tìm thầy tìm thuốc tốn kém vô kể. Một hôm có người mách:

– Ông bà có con phải cầu tự. Nghĩa là phải làm một chuyện gì đó để lại công đức cho thần thánh, cho người đời.

Hai vợ chồng từ đó đêm nào cũng trằn trọc tìm việc làm công đức. Người chồng đề nghị còn bao nhiêu vốn liếng xây dựng một ngôi đền. Người vợ đồng ý và ngay ngày hôm sau ra sông mua gỗ. Ba tháng sau, ngôi đền uy nghi mọc giữa thôn Đoài. Các vị thần: Của cải, Trí tuệ, Sức khỏe, Ăn chơi đã tụ tập về. Ai ước nguyện thế nào thì được thế ấy.

Ông bà nọ ước ao có con, thần thương lắm đã cho người con trai đẹp và khỏe mạnh. Đáng tiếc, vợ chồng người nông dân quý con quá hóa tội. Cậu bé tên Hợi trái ngược tính nết với người sinh ra nó. Cậu thích ngủ và chơi bời, dỗ dành mãi mới đến trường, nhưng vừa ngồi xuống ghế đã ngủ gật, thành thử ba năm sau vẫn chưa viết nổi cái tên của Hợi. Về sau Hợi bỏ học la cà trong làng, ngoài bãi, ven sông. Tệ hơn nữa khi Hợi có vợ lại đuổi cha mẹ ra ở riêng. Mặc thế, ông bà vẫn dốc lòng chiều chuộng thương con.

Hôm người mẹ hấp hối, bà bảo chồng gọi Hợi lại, nắm lấy tay và nói đứt quãng trong hơi thở:

– Cha mẹ thật ân hận chưa lo cho con được nhiều. Nay mẹ sắp qua đời muốn hỏi con có nguyện vọng gì để khi xuống suối vàng mẹ biết mà cầu xin phù hộ cho con.

Người con nói ngay:

– Con ao ước suốt đời không làm mà được ăn no, được ngủ không ai quấy rầy. Nói tóm lại được người ta hầu hạ.

Mai táng vợ xong, người chồng vào đền cầu xin nguyện vọng đó cho con. Các vị thần linh hội ý với nhau thấy thật khó xử. Thật ra nếu xin của cải giàu sang, trí tuệ minh mẫn, sức khỏe phi thường hay ăn chơi phóng đãng thì dễ. Đằng này nó chỉ ước mơ tầm thường ăn no ngủ kỹ. Có khó một chút là bắt người ta hầu hạ. Khoản này vượt quá quyền hạn của các thần trong đền. Họ bàn với nhau tâu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nghe xong ngoảnh lại nói với thần Trí tuệ:

– Thật đáng buồn cho giống người. Ta sinh ra họ cốt để làm đẹp cho thiên hạ. Vậy mà nay có kẻ chỉ ước ao ăn ngủ, lại còn muốn người ta hầu hạ nữa. Tệ. Tệ thật.

Thần Trí tuệ cúi đầu lạy:

– Bẩm thưa Thượng đế, cha mẹ của Hợi là người nhân đức. Chính họ đã có công thờ thần linh. Nếu ta không giúp họ thì sẽ mất niềm tin ạ.

Ngọc Hoàng thấy thần Trí tuệ nói phải. Nhưng như thế thì vô lý quá. Ai đời cùng loài người với nhau lại bắt người này hầu hạ người nọ. Bỗng Ngọc Hoàng reo lên:

– Ta nghĩ ra rồi. Thần lại đây ta bảo.

Thần Trí tuệ mặt tươi như hoa đến quỳ lạy dưới chân Ngọc Hoàng.

– Tên Hợi ước: Ăn no, ngủ yên, có người hầu hạ chứ gì? Ta cho làm kiếp lợn. Kiếp ấy được như thế, nhưng đoản thọ và chính tay người hầu hạ giết nó.

Thần Trí tuệ toan nói hộ cho người nông dân vài điều nữa thì Ngọc Hoàng đã giũ áo bào đi ra. Thần buồn bã bay về làng Đoài thì được tin ông lão nông dân và con trai tên Hợi đã mất cách đây nửa năm.

Điều lạ là trong làng Đoài mọc lên ngọn núi nhỏ có lửa, cháy chập chờn dòng chữ “Ốc Thượng Thổ”. Trong làng Đoài nhà ai cũng có ổ tò vò mọc chi chít trên nóc nhà, nhà nào cũng nuôi một giống vật lạ: Mõm dài, tai lớn, bốn chân nhỏ, mình nục nạc những thịt. Nó không biết kêu mà chỉ biết éc. Giống ấy phàm ăn. Ăn xong thì ngủ. Hơi ngót dạ lại đòi ăn làm cho người làng phải bưng xách nấu nướng thật vất vả. Vì nguyện vọng nuôi nó chóng lớn để mau giết thịt nên người ta đặt tên là Lớn. Tiếng này lâu ngày đọc chệch thành Lợn.

****************************************************************

Con heo hay còn gọi là con lợn. Heo có loài sống hoang dã (heo rừng) và loài được con người thuần hóa (heo nhà). Trong phạm vi bài này chúng ta nói về heo nhà.

Heo nhà là một gia súc được thuần hóa từ loài heo rừng, được chăn nuôi để cung cấp thịt. Hầu hết heo nhà có lớp lông mỏng trên bề mặt da. Heo nhà thường được cho rằng là một phân loài từ tổ tiên hoang dã của chúng là heo rừng, trong trường hợp này chúng được đặt tên sinh học là Sus scrofa domesticus. Một số nhà phân loại học cho rằng heo nhà là một loài riêng và gọi tên chúng là Sus domesticus, và heo rừng là S. scrofa.

Dấu hiệu khảo cổ cho thấy heo được thuần hóa từ loài hoang dã từ rất sớm vào khoảng 13.000–12.700 TCN ở Cận Đông trong thung lũng Tigris được quản lý ở dạng hoang dã theo cách tương tự chúng được người New Guine chăn hiện nay. Các loài heo khác đã được xác định sớm hơn 11.400 TCN ở Síp, chúng phải được du nhập từ đất liền tức là chúng được thuần hóa trong đất liền. Cũng có sự thuần hóa riêng biệt ở Trung Quốc diễn ra cách nay 8000 năm.

Trước đây, các nhà khảo cổ học dựa vào những di chỉ khảo cổ (chủ yếu là xương xọ) đã cho rằng heo được thuần hóa vào khoảng 9000 năm về trước ở vùng mà ngày nay thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cùng khoảng thời gian này tại Trung Quốc.

Nhưng theo một nghiên cứu được tiến hành với sự hợp tác giữa các nhà di truyền học Mỹ và Thụy Điển, trong đó phân tích xu hướng phân bố và đồng dạng ADN của các giống heo (700 con) trên thế giới, tổ tiên của heo ngày nay được xác định là heo rừng và quê hương của heo rừng nguyên thủy này chính là vùng Đông Nam Á ngày nay. Sau khi được thuần hóa ở Đông Nam Á, heo theo con người đến các vùng khác của lục địa Á Âu và ra các đảo Thái Bình Dương. Heo được tiếp tục thuần hóa nhiều lần ở nhiều vùng tại Trung Quốc, vùng Cận Đông và châu Âu.

Một nghiên cứu di truyền đã phân tích DNA của các giống heo thuộc các hải đảo Thái Bình Dương và đặc biệt là heo không lông ở Vanuatu, các nhà nghiên cứu Úc và Mỹ khẳng định rằng heo tại các hải đảo này cũng xuất phát và được thuần hóa từ lục địa Đông Nam Á (đặc biệt là từ Việt Nam) khoảng 3000 năm trước đây. Sau đó, chúng theo con người di cư ra khỏi lục địa và đến các hải đảo như Vanuatu và Lưu Cầu. Ngoài ra, các giống lợn tại các hải đảo này cũng có DNA rất giống với heo ở Âu châu.

Ước tính về thời điểm thuần hóa và di cư của heo nêu trên khá phù hợp với các di chỉ khảo cổ tìm thấy ở Việt Nam. Theo các di chỉ này thì nghề chăn nuôi heo ở Việt Nam được phát triển khá vào thời Hùng Vương. Các di chỉ khảo cổ học thuộc thời kì hậu Đồ Đá Mới (tức khoảng 8000 đến 3000 năm trước đây) ở khu vực Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Hoa Lộc có nhiều xương cốt các con vật nuôi trong nhà như heo, chó, trâu bò nuôi, gà, vịt... Tại di chỉ Đồng Đậu, tỉ lệ xương heo trong tầng văn hóa ở đây cao hơn xương heo rừng và các gia cầm.

Heo là các loài động vật ăn tạp, chúng ăn cả thức ăn có nguồn gốc động và thực vật cũng như thức ăn thừa của con người. Một đàn heo con thông thường có từ 6 đến 12 con. Heo có 44 răng, mõm và tai lớn, chân có 4 ngón, 2 ngón giữa lớn hơn và có lông cứng. Thời kỳ mang thai của heo trung bình là 114 ngày.

Heo không có tuyến bài tiết mồ hôi, vì thế chúng phải tìm các nơi râm mát hay ẩm ướt (các nguồn nước, vũng bùn v.v) để tránh bị quá nóng trong điều kiện thời tiết nóng. Chúng cũng dùng bùn làm lớp bảo vệ để khỏi bị cháy nắng.

Nguồn: Internet