Con Sóc

Chuyện kể: Câu chuyện về một chú sóc bị mất nhà

Nhà của sóc ở trong một hốc cây to, nửa đêm hôm đó gió bão nổi lên đùng đùng quật ngã cả cây to đó làm gẫy tung nhà của sóc. Sóc hu hu ngồi khóc:

- Hu hu, biết làm sao bây giờ nhà đổ mất rồi hu hu hu….

Sóc vừa khóc vừa tưởng tượng tới cảnh sói xám và cáo có thể từ rừng sâu mò tới.Con sói xám đấy mà ở trước mặt thì sợ sao kể hết. Thế là sóc càng gào lên mà khóc.

Trời sáng bạch rồi thỏ trắng chạy tới thấy sóc khóc bèn hỏi:

- Sóc ơi, sóc này làm sao mà khóc thế?

- Hu hu hu hu, thỏ trắng ơi cái cây đổ, cây gẫy nhà của tôi không còn nữa, mà không còn nhà thì không có nơi ngủ. Sói xám và cáo trong rừng có thể tới cắn tôi chết tôi mất thôi.

- Thôi, đừng khóc. Hãy ở với tôi mà nhà tôi là cái hang đất ở bên bìa rừng đây thôi mà.

- Không, tôi không ngủ trong hang đất đâu tôi muốn ngủ trên thân cây lớn cơ.

Thỏ trắng nhỏm mình dậy nói:

- Thế thì làm sao bây giờ? - Nói rồi thỏ trắng bỏ đi.

Một con chim khách bay tới nhìn thấy sóc khóc nó hỏi:

- Sóc ơi, sóc này làm sao mà sóc khóc thế?

- Chim khách ơi cây đổ cây gẫy nhà của tôi không còn nữa, tôi không còn nơi ngủ. Sói xám và cáo trong rừng có thể lẻn đến cắn chết tôi mất thôi.

- Thôi đừng khóc nữa hãy ở cùng tôi nhà tôi ở trên một cây to ven sông.

- Không nhà anh ko có nóc, trời mưa tôi sẽ bị ướt hết mất tôi không về đấy ở được đâu.

Chim khách vẫy vẫy cánh nói:

- Thế thì làm sao bây giờ? - Thế rồi chim khách bay đi.

Hai con chim bồ câu bay lại thấy sóc khóc nó hỏi:

- Sóc ơi, sóc này làm sao mà sóc khóc thế?

- Cây đổ cành cây gẫy nhà của tôi không còn nữa, tôi không còn nơi ngủ. Sói xám và cáo trong rừng có thể lẻn đến cắn chết tôi mất thôi. - Sóc vừa khóc vừa đáp.

- Thôi đừng khóc nữa hãy tới ở cùng chúng tôi nhà chúng tôi ở chiếc chuồng trên cây lớn đầu làng kia.

- Không nhà của các bạn nhỏ lắm chỉ có 2 người đã chật rồi tôi không len vào nổi đâu.

Nói xong sóc lại òa lên khóc.

Cả hai con chim bồ câu cùng nói:

- Thế thì làm sao được bây giờ?. - Nói rồi chúng bay đi.

Khi đó có một con chim gõ kiến bay tới nhìn thấy sóc khóc, nó bèn hỏi:

- Sóc ơi, sóc này làm sao mà sóc khóc thế?

- Hu hu chim gõ kiến ơi, cây đổ cành gẫy nhà của tôi không còn nữa, tôi chẳng còn nơi ngủ. Sói xám và cáo trong rừng có thể lẻn tới cắn chết tôi mất thôi.

- Chẳng cần khóc nữa chúng tôi sẽ giúp bạn làm lại một cái nhà.

Chim gõ kiến bay tới một cái cây rất cao. “Tốc tốc tốc”, nó dùng mỏ mổ vào thân cây khoét thành cái hốc nhỏ, nhòm vào bên trong thấy có con sâu hại nó bèn lôi ra chén luôn.

Sóc trèo lên cây khoét rộng hơn cái hốc đó rồi chui vào nằm thấy thật là dễ chịu và ấm áp. Thế là sóc có căn nhà mới.

********************************************

Họ Sóc (danh pháp khoa học: Sciuridae) là một họ lớn trong bộ Gặm nhấm (Rodentia). Từ Sciuridae có nghĩa là "đuôi bóng" và nó chỉ tới phần phụ thêm vào mọc rậm rạp của nhiều thành viên trong họ này. Nó bao gồm sóc cây, sóc đất, sóc chuột, macmot (bao gồm cả macmot châu Mỹ) và sóc bay thật sự. Sóc bay đuôi vảy châu Phi thuộc về họ Anomaluridae và không phải là sóc thật sự của họ Sciuridae. Họ Sciuridae được tìm thấy gần như trên mọi châu lục, ngoại trừ Australasia và châu Nam Cực.

Họ Sóc nói chung là các động vật nhỏ, dao động về kích thước từ nhỏ như sóc lùn châu Phi chỉ dài 7–10 cm và cân nặng 10 gam, tới macmot Alps dài 53–73 cm và cân nặng 5–8 kg. Họ Sciuridae nói chung có thân hình mảnh dẻ với đuôi rậm rạp và mắt to. Bộ lông của chúng nói chung mềm và mượt, mặc dù ở một vài loài có thể là dày hơn. Màu lông của các loài dạng sóc biến động khá mạnh giữa các loài và thậm chí là ngay trong phạm vi loài.

Các chân sau nói chung dài hơn các chân trước, mỗi chân có 4 hay 5 ngón. Chân trước có ngón cái, mặc dù nó kém phát triển. Các chân của động vật họ sóc cũng có gan bàn chân mềm ở mặt dưới.

Họ Sóc sinh sống trong gần như mọi môi trường sống, từ rừng mưa nhiệt đới tới sa mạc bán khô cằn, chỉ không có tại khu vực cận địa cực và các sa mạc khô nhất. Chúng chủ yếu là động vật ăn cỏ, với thức ăn là hạt và quả, nhưng nhiều loài ăn cả côn trùng và thậm chí là các loài có xương sống nhỏ. Trên thực tế, một số loài nhiệt đới gần như chỉ ăn côn trùng. Bộ răng của các loài dạng sóc tuân theo kiểu răng điển hình của động vật gặm nhấm, với các răng cửa lớn có tác dụng gặm nhấm và chúng phát triển ra trong suốt cả cuộc đời, còn các răng hàm có tác dụng nhai thì nằm cách các răng cửa một khoảng trống lớn.

Các loài sóc nói chung có thị lực tốt, và điều này đặc biệt quan trọng cho các loài sống trên cây. Nhiều loài cũng có hệ thống cảm quan, với các ria mép hay các lông trên các chân.

Họ Sóc sinh sản 1 đến 2 lần trong năm, với số lượng con non sinh ra không đồng nhất sau 3-6 tuần, phụ thuộc vào từng loài. Các con non sinh ra trần trụi, không răng, mù và yếu ớt. Ở phần lớn các loài chỉ có con mẹ chăm sóc con non. Chúng được cho bú tới khoảng 6-10 tuần tuổi và thuần thục sinh lý vào cuối năm thứ nhất của cuộc sống của chúng. Các loài sinh sống trên mặt đất nói chung có tính cộng đồng, thường sinh sống thành bầy, nhưng các loài sống trên cây thì phần lớn là đơn độc.

Nguồn: Internet