Con ếch òn

Chuyện kể: Cầu nguyện (Anthony De Mello, S.J)

Tối hôm ấy, khi thầy Bruno đang cầu nguyện, thầy bị chia trí bởi tiếng kêu ôộp ôộp của một con ễnh ương. Thầy cố hết sức để không nghĩ đến mớ âm thanh quấy rầy đó, nhưng bất lực. Vì thế, thầy thò đầu ra cửa sổ và quát: “Này, chúng bay câm mồm đi! Tao đang cầu nguyện đây.”

Thầy Bruno là một bậc thánh, vì thế lệnh của thầy có hiệu lực ngay tức khắc. Tất cả các sinh vật trong khu vực lân cận đó đều im thin thít. Bầu khí bỗng nhiên vắng lặng – tha hồ mà cầu nguyện ...

Nhưng liền tức thì, một âm thanh khác nổi lên quấy rầy tâm tình thờ phượng của Bruno – một âm thanh phát ra từ trong lòng thầy: “Ồ, biết đâu tiếng kêu của con ễnh ương kia cũng làm vui lòng Chúa không kém chi các bài Thánh Vịnh của mình đấy chứ?” “Mà này, làm sao tiếng kêu của con ễnh ương có thể làm vui tai Chúa được nhỉ?” Thầy tự hỏi rồi tự trả lời. Và tiếng nói trong lòng thầy vẫn tiếp tục mè nheo: “Nhưng Chúa tạo ra thứ âm thanh ấy chắc hẳn phải có một mục đích?”

Bruno quyết định khám phá xem đó là mục đích gì. Thầy lại thò đầu ra cửa sổ và ra lệnh: “Hãy hát lên đi!” con ễnh ương bắt đầu kêu inh ỏi, và tất cả đám ễnh ương trong khu vực đó cùng xôn xao phụ họa. Thật lạ, khi thầy Bruno chăm chú lắng nghe bầu âm thanh ấy, nó không còn quấy rầy nữa. Thầy nhận ra rằng nếu thầy không phản kháng chúng, quả thực chúng làm cho cái yên tĩnh của đêm tối nên phong phú đến không ngờ

Khám phá được điều đó, lòng thầy Bruno bỗng hoà nhập với vũ trụ. Chưa bao giờ thầy thấu hiểu ý nghĩa của cầu nguyện bằng tối nay.

******************************************

Ếch òn còn có tên là ễnh ương

Loài lưỡng cư có đầu nhỏ, miệng hẹp, thân bầu và mập. Dài thân khoảng 70 - 80mm. Lưng màu nâu, ngang mắt có vạch vàng. Mỗi bên thân là một vạch rộng màu nâu sáng, vàng hay hơi hồng chạy từ sau mắt đến háng. Đầu ngón tay phình với đĩa ngón tay bị xén ngang. Chân rất ngắn, thậm chí có khi chân vuông góc với thân, gót cách nhau đến 10mm. Khi đụng vào cơ thể chúng loài này tiết ra chất nhờn rất dính và khó rửa sạch.

Loài này thường sống phổ biến ở vùng trung du và miền núi. Ở các khu vực độ cao trên 400m chúng sống trong các bọng nước trên cây và có khả năng leo trèo. Chỉ xuất hiện vào 2 tháng đầu mùa mưa kiếm ăn và giao phối. Thời gian còn lại chúng ngủ triền miên trong hang đất hoặc các hốc cây, hốc đá ... Thức ăn của loài này là các loài côn trùng nhỏ như kiến, mối. Mùa sinh sản từ tháng 3 - 5 hàng năm, khi ghép đôi chúng thường kêu rất to và vang khắp.

Nguồn: Internet